Trong buổi làm việc với Khoa Kinh tế Chính trị ngày 16/1/2019, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã thông tin có thể trong năm 2019, Nhà trường sẽ mở mới hai khoa.
Tham dự buổi làm việc còn có PGS.TS Trần Đức Hiệp - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị cùng toàn thể giảng viên, chuyên viên trong khoa.
Tại buổi làm việc PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã chỉ ra một số yêu cầu đối với khoa Kinh tế Chính trị trong giai đoạn tới mà việc đầu tiên đó là nhanh chóng hoàn thiện đề án chuyển đào tạo ngành Kinh tế hệ Chuẩn sang hệ Chất lượng cao theo Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông cho biết, năm ngoái Nhà trường đã chuyển sang đào tạo hoàn toàn 4 ngành hệ chất lượng cao, chỉ còn 2 ngành là Kinh tế và Kinh tế Phát triển, hai ngành này cần nhanh chóng chuyển đổi sang hệ chất lượng cao để tạo ra một đầu ra chung cho toàn trường.
Buổi họp có mặt tất cả các giảng viên của Khoa
Đặc biệt, Hiệu trưởng ĐHKT cũng cho rằng, khi chuyển sang hệ chất lượng cao, ngành Kinh tế phải có những đặc thù và chất lượng nổi bật ví dụ như có chuyên ngành đào tạo sâu để làm chính khách và chuyên gia kinh tế. Ngoài ra, để ngành học không mang tính học thuyết quá nặng có thể đưa vào các môn học như Cảm thụ âm nhạc, Năng khiếu thể thao vào ngành học, đặc biệt phải đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục trong khoa, khoa phải chủ động thu hút được sinh viên quốc tế và tổ chức các hội thảo lớn, có các giáo sư nước ngoài tham gia. Cũng trong buổilàm việc, Hiệu trưởng thông tin, Nhà trường đang nghiên cứu mở thêm 2 khoa là Kinh tế Dịch vụ và Kinh tế Tài nguyên, đây sẽ là hai ngành rất"hot" trong tương lai, Trường sẽ đi tiên phong đào tạo, mong các giảng viên cùng đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình hoàn thiện.
PGS.TS Trần Đức Hiệp phát biểu tại cuộc họp
Đồng tình với chỉ đạo của Hiệu trưởng, PGS.TS Trần Đức Hiệp cho biết các nội dung mà Hiệu trưởng nêu trên Khoa đã tiến hành nghiên cứu nhưng tốc độ còn chậm và sẽ đẩy mạnh trong năm 2019. Ông cũng cho biết, Khoa đang đẩy mạnh đề án để mở chương trình Thạc sĩ Quản lý Văn hóa nghệ thuật liên kết với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, chương trình này hiện được một số đơn vị quản lý văn hóa nghệ thuật rất quan tâm và có đặt hàng người học, nên sẽ cố gắng sớm nhất trong năm nay có thể tuyển sinh.
Thay mặt cho các giảng viên gạo cội tại Khoa GS.Phan Huy Đường tỏ ra rất tán thành chủ trương của Hiệu trưởng và Chủ nhiệm khoa, GS. Đường cho biết Khoa Kinh tế Chính trị là đơn vị tiền thân của ĐHKT ngày nay, đây là các ngành đào tạo truyền thống của Trường suốt gần 45 năm qua nhưng với tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng, bản thân các ngành học cũng cần phải thay đổi theo định hướng quốc tế.